Sống là phải biết thỏa hiệp?

Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng đối diện với những lựa chọn theo kiểu con lừa giữa hai máng cỏ ngon, mà phải đưa ra quyết định và khi ấy bắt buộc phải cắt giảm quyền lợi của mình để đạt được mục đích. Cái đó người ta gọi là sự thỏa hiệp. Nhiều khi người ta cũng hiểu thỏa hiệp có nghĩa là nhượng bộ; khi ấy những người vẫn nói là "phải biết thỏa hiệp, nhượng bộ" thật ra chỉ là để bào chữa cho hành vi của mình.

Theo Ayn Rand, câu hỏi "Sống là phải biết thỏa hiệp?" (Doesn't Life Require Compromise?) chỉ thường đặt ra cho những người không có khả năng phân biệt giữa một nguyên tắc sống cơ bản với một mong muốn cụ thể. Không thể có bất cứ sự thỏa hiệp nào đối với các nguyên tắc đạo đức (There can be no compromise on moral principles). Trong bất cứ sự thỏa hiệp nào của thức ăn trước thuốc độc, hậu quả chỉ là cái chết. Trong bất cứ sự thỏa hiệp nào giữa cái thiện và cái ác, hậu quả chỉ là sự chiến thắng của cái ác (Trích từ tác phẩm Atlas Shrugged - đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Ayn Rand).

Về Ayn Rand, anh đã giới thiệu trong bài "Những kẻ sống thứ sinh".

Bài viết "Sống là phải biết thỏa hiệp" (Doesn't Life Require Compromise?) viết năm 1962, được trích từ tác phẩm The Virtue of Selfishness xuất bản năm 1964.


Sống là phải biết thỏa hiệp?
AYN RAND

Thỏa hiệp là gì?

Thỏa hiệp là sự cùng điều chỉnh giữa các bên có lợi ích xung đột nhau bằng cách cùng cắt giảm quyền lợi của mình. Điều đó cũng có nghĩa là từ xuất phát điểm cả hai bên đều phải có những quyền lợi và giá trị mà mỗi bên có thể đặt lên bàn đàm phán. Và điều đó cũng có nghĩa là hai bên phải thỏa thuận được một nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh cả hai.

Ví dụ: một người bán hàng có thể thỏa hiệp với một khách hàng về một mặt hàng bằng cách cả hai cùng cắt giảm yêu cầu ban đầu của mịnh Trong ví dụ này, nguyên tắc chung mà hai bên thỏa thuận là nguyên tắc thương mại; theo đó người mua phải trả tiền và người bán phải giao hàng. Nếu người bán chỉ muốn có tiền mà không phải giao hàng, hoặc người mua chỉ muốn có hàng mà không phải trả tiền thì ở đó không có sự thỏa hiệp nào cả. Ở đó chỉ có sự đầu hàng của một bên với một bên kia.
Thỏa hiệp
Câu hỏi "Sống có nghĩa là thỏa hiệp?" thường được đặt ra bởi những người không có khả năng phân biệt giữa một nguyên tắc sống cơ bản với một mong muốn cụ thể. Người ta chỉ có thể thỏa hiệp khi người ta đang bàn về một việc cụ thể hoặc về việc áp dụng cái nguyên tắc chung mà họ đã thỏa thuận trước đó. Sẽ không thể có bất cứ sự thỏa hiệp nào đối với các nguyên tắc cơ bản hoặc các vấn đề thuộc về bản chất. Lấy gì làm mức trung gian thỏa hiệp cho sống và chết? Giữa sự thật và dối trá? Giữa lý lẽ và sự ngụy biện? Giữa sự có lý và vô lý?

Không thể tồn tại sự thỏa hiệp giữa chủ nhà và một tên trộm. Việc đưa cho tên kẻ trộm một cái thìa bạc trong bộ đồ ăn bạc của mình không phải là một sự thỏa hiệp mà là một sự đầu hàng - là sự thừa nhận quyền của tên kẻ trộm đối với tài sản của mình. Một khi cả hai bên chấp nhận nguyên tắc trong đó chỉ có một bên cắt giảm quyền lợi (tạm gọi là nguyên tắc nhượng bộ đơn phương) thì sớm muộn bên được sẽ lấn tới. Nghĩa là nếu hai bên ngầm chấp nhận nguyên tắc thỏa hiệp một phía thì cuộc chơi đã hoàn toàn thay đổi.

Ngày nay, khi người ta nói đến sự thỏa hiệp, ý họ nói đến không phải là sự cắt giảm quyền lợi ở cả hai bên trên một nguyên tắc chung. Cái mà họ nói đến thực ra là sự phản bội lại nguyên tắc sống của mình; là sự đầu hàng đối với những đòi hỏi, những nguyên tắc vô lý. Ví dụ: việc đi theo vợ hoặc chồng đến một buổi hòa nhạc mặc dù mình không quan tâm gì tới âm nhạc không phải là một sự thỏa hiệp; chính việc đầu hàng những đòi hỏi phi lí về giao tiếp xã hội, đầu hàng những thứ danh hão huyền phù phiếm, việc tuân theo những thứ đòi hỏi ước lệ mới là thỏa hiệp. Làm việc cho một ông chủ mà mình không đồng tình về quan điểm không phải là một sự thỏa hiệp; nhưng giả vờ đồng tình với quan điểm của ông ta chính là sự thỏa hiệp.

Gốc của sự đầu hàng trên là ở thuyết đạo đức chủ quan (ethics subjectivism), một triết lí xã hội loài người đang thực hành. Triết lý này cho rằng (1) dục vọng hay ham muốn đòi hỏi bản năng không thể cưỡng lại, rằng (2) mọi người đều có quyền tuân theo dục vọng và ham muốn của họ, rằng (3) tất cả các dục vọng ham muốn đều có giá trị đạo đức, và rằng (4) cách duy nhất để sống là phải "biết", phải nương theo các dục vọng này cũng như phải nhượng bộ người khác.

Tính phi lý của thứ nền tảng đạo đức trên nằm ở chỗ nó đòi hỏi con người phải chấp nhận đạo đức như một thứ mang tính chủ quan; hơn thế, coi thứ đạo đức chủ quan này như là nguyên tắc cao nhất điều chỉnh mọi quan hệ con người và bắt các cá nhân phải hy sinh bản thân cho người khác, kể cả hy sinh những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân.

Những lời bào chữa trong các trường hợp "Thỏa hiệp" ngày nay thường là: thỏa hiệp chỉ là tạm thời, người ta sẽ khôi phục nguyên tắc đạo đức của mình trong tương lai khi tình hình thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vấn đề là người ta không thể sửa chữa hay khôi phục sự vô lí sau khi chấp nhận và khuyến khích nó phát triển. Người ta không thể nào chiến thắng về tư tưởng thông qua sự nhượng bộ tư tưởng. Một khi đã phản bội lại nguyên tắc sống, việc tuân theo các nguyên tắc đó vào gian đoạn sau trở nên bất khả thi.

Không thể có bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với các nguyên tắc đạo đức. Trong bất cứ sự thỏa hiệp nào của thức ăn trước thuốc độc, hậu quả chỉ là cái chết. Trong bất cứ sự thỏa hiệp nào giữa cái thiện và cái ác, hậu quả chỉ là sự chiến thắng của cái ác. Vì thế lần sau, nếu bạn hỏi "Sống là phải biết thỏa hiệp?", hãy đặt lại câu hỏi cho đúng: "Sống là phải biết đầu hàng những gì xấu xa, vô lý?"

Câu trả lời cho câu hỏi này là: Vâng, sống là phải biết đầu hàng cái xấu nếu như cái người ta muốn đạt tới trong cuộc sống là sự dằn vặt tinh thần và sự tự hủy diệt bản thân.

(Mà bản chất cuộc sống không bao giờ là một sự tự hủy diệt).

(Ayn Rand, 1962, from The Virtue of Selfishness - Bản dịch từ tạp chí Tia sáng)

Related Posts

luom-nhat 4630945125175759693

Đăng nhận xét

Tìm kiếm

About me

Xem nhiều nhất

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

- Menu - Lưu trữ Trạng thái